Bối cảnh Loạn_Hoàng_Sào

Từ sau loạn An Sử, nhà Đường bắt đầu suy yếu, quyền lực của các tiết độ sứ trở nên rất lớn. Đạo đức của các tiết độ sứ này lại tỷ lệ nghịch với quyền lực đang ngày càng tăng lên của họ, vì thế nỗi oán hận của người dân cũng tăng lên, phát triển thành một vài cuộc nổi dậy vào giữa thế kỷ thứ 9. Các nông dân nghèo khó, địa chủ và thương nhân chịu thuế nặng, cũng như hoạt động buôn bán muối lậu quy mô lớn tạo nền tảng cho các cuộc nổi dậy chống triều đình trong giai đoạn này. Vương Tiên Chi và Hoàng Sào là hai trong số các thủ lĩnh nổi dậy quan trọng trong giai đoạn này.[1]

Cuối những năm Hàm Thông (860-874) thời Đường Ý Tông, các trận hạn hán hay lũ lụt nghiêm trọng gây ra nạn đói khủng khiếp. Mặc dù vậy, triều đình Đường vẫn không cứu tế cho các nạn dân, các loại thuế không những không giảm mà còn tăng lên để đáp ứng lối sống xa hoa của Đường Ý Tông và các chiến dịch quân sự của triều đình. Do vậy, dân đói tập hợp lại và nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà Đường.